Bế mạc cuộc thi "Tài năng biểu diễn Múa 2020”: Chất lượng chỉ mới... tạm yên tâm

VHO- Sau nhiều ngày tranh tài sôi động tại TP.HCM và Hà Nội, cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa 2020 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đã bế mạc vào tối 17.10 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự, phát biểu và trao giải.

Bế mạc cuộc thi

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải Nhất cho các thí sinh Ảnh: TRẦN HUẤN

Sự tham gia của hơn 80 thí sinh đến từ nhiều đơn vị trên cả nước đã cho thấy nền nghệ thuật Múa nước nhà đang phát triển mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhưng song hành với đó, cuộc thi vẫn để lại nhiều trăn trở về chất lượng chuyên môn trong giới nghề và những người yêu nghệ thuật múa...

Xuất hiện nhiều gương mặt triển vọng

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Với gần 180 tiết mục dự thi, đây thật sự là dịp để các diễn viên múa giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ về kỹ thuật, kỹ xảo và nghệ thuật biểu diễn. Tại cuộc thi, các thí sinh đã thể hiện sinh động và lan toả những sáng tạo, đặc trưng, các giá trị tiêu biểu trong từng tác phẩm; tạo cho công chúng sự đồng cảm, hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống văn hóa tinh thần và sự tinh tế thông qua nghệ thuật biểu diễn Múa”.

Ngoài những cái được, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị, để nghệ thuật Múa phát triển mạnh mẽ hơn, thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần chú trọng phát triển kỹ thuật cơ bản; đẩy mạnh giảng dạy phần dân gian dân tộc và đương đại. Chương trình giảng dạy cần hướng đến tăng cường thể lực cho học sinh. Đối với các biên đạo, huấn luyện, phải xác định rõ ý tưởng của các tiết mục, nhất là trong xác định phong cách. “Phải chú ý bố cục tác phẩm để giúp diễn viên đạt được sự thăng hoa trong biểu diễn và thể hiện được các kỹ thuật của mình”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông lưu ý.

Có thể nói, các tác phẩm dự thi của thí sinh tại cuộc thi lần này đã đảm bảo đúng các tiêu chí được đặt ra. Mỗi tác phẩm đều có ý tưởng rõ ràng, sự sáng tạo về kết cấu và ngôn ngữ múa. Đề tài cũng được đa dạng hóa, thể hiện nhiều mặt của đời sống xã hội, đem lại những giá trị nhân văn. Động tác thể hiện sự dẻo dai, tinh tế, tạo hình đẹp mắt… Kết quả, BTC đã trao giải Nhất cho 6 thí sinh các bảng A: Ballet cổ điển châu Âu và Ballet hiện đại; bảng B: Đương đại; bảng D: Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ, kỹ thuật, kỹ xảo của các thể loại nhảy múa đương đại như hiphop, loocking, wacking…Với bảng C: Dân gian dân tộc, Dân gian đương đại và truyền thống và các bảng khác, thí sinh lần lượt nhận các giải Nhì, Ba và Khuyến khích. Nhiều giải thưởng phụ khác cũng được trao tại lễ bế mạc.

Không đơn giản chỉ là cuộc thi, các tiết mục những ngày qua được trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đã đẩy mạnh công tác quảng bá nghệ thuật Múa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không kém phần hiện đại. Những động tác vũ đạo đẹp mắt, sự thăng hoa của nghệ sĩ, hiệu ứng sân khấu, âm nhạc… tựu chung đã làm nên những tiết mục ấn tượng, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng.

Bế mạc cuộc thi

 Bảng A được Ban giám khảo nhận định có nhiều tài năng sáng giá Ảnh: TUỆ MINH

Chỉ số lượng thôi thì vẫn chưa đủ...

Trao đổi với Văn Hoá, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết: “Qua cuộc thi, chúng tôi thấy được những khao khát của thí sinh muốn đi tìm giới hạn của mình trong nghề. Từng động tác, kỹ thuật cá nhân được phô diễn một cách chuyên nghiệp, thẩm mỹ đã cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng của các nghệ sĩ tại sân chơi lần này. Nhưng, một số thí sinh vẫn có sự nhầm lẫn giữa các dòng và phong cách múa. Đây là điều cần phải hết sức lưu ý sau này”.

Chia sẻ thêm về chất lượng thí sinh của cuộc thi năm nay, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo cho hay: “Thí sinh năm nay dự thi theo hình thức chia bảng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại các cuộc thi về Múa tại Việt Nam. Việc chia bảng cho thấy sự rõ ràng về mặt chất lượng, ngôn ngữ của từng dòng, phong cách múa. Thí sinh cũng có cơ hội tập trung vào từng dòng, thể hiện sự chuyên nghiệp hóa”.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, bảng A là bảng được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về mọi mặt. Thế nhưng ở các bảng B, C, D, NSƯT Trần Ly Ly lại bày tỏ không ít sự trăn trở: “Bảng B thì hiện dừng lại ở mức số lượng thí sinh tham gia. Độ tinh xảo trong kỹ thuật cũng chỉ vừa đủ. Bảng C tôi hơi lo lắng vì nhiều thí sinh không rõ dân gian dân tộc, dân gian đương đại và truyền thống là gì. Thí sinh ở bảng C cũng chưa cho thấy nhiều sự độc đáo vì một phần đến từ việc các tác phẩm ở dòng này rất khó làm và thể hiện. Chính bản thân chúng tôi, những người làm nghề lâu năm cũng phải tìm hiểu rất kỹ về vốn văn hóa dân tộc mới có thể tạo ra được tác phẩm hài hòa giữa yếu tố dân gian truyền thống và hiện đại”.

Còn với bảng D, vì là bảng mở rộng nên chất lượng cũng chưa thật sự như mong muốn. Thế nhưng qua công tác chấm giải, bảng này xuất hiện nhiều gương mặt triển vọng, hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển.

Khi được hỏi về những tín hiệu lạc quan từ cuộc thi liệu có đủ để những nhà chuyên môn yên tâm về sự phát triển của Múa Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu để nói hoàn toàn yên tâm thì chưa. Tất cả mới chỉ tạm ổn. Sở dĩ nói vậy là vì thí sinh vẫn có thể cho thấy sự sáng tạo hơn nữa trong tư duy nghệ thuật. Tất nhiên, với sự tham gia đông đảo của thí sinh như năm nay, chúng tôi cũng rất vui mừng khi Múa ngày càng được quan tâm. Nhưng chỉ số lượng thôi thì chưa đủ. Những vấn đề mà giám khảo nêu ra tại cuộc thi lần này, các thí sinh khi bước ra ngoài phải hết sức lưu ý tập luyện để trau dồi chuyên môn. Việc khắc phục những hạn chế không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai có thể làm được mà là cả một chặng đường dài không ngừng phấn đấu của nghệ sĩ. Chỉ khi nào nghệ sĩ nhìn nhận rõ những hạn chế mình đang gặp phải, nỗ lực sửa đổi thì chúng ta mới có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng nhân lực của nghệ thuật Múa nước nhà”. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc